KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY SẦU RIÊNG – Phần 3: Tỉa cành tạo tán cho cây sầu riêng.

Tại sao nói tỉa cành tạo tán là khâu quan trọng nhất?

Khi tỉa cành là ta loại bỏ những cành sâu bệnh, cành yếu không thể phát triển thành nhánh trưởng thành, cành đan chồng chéo lên nhau làm các cành không nhận đầy đủ ánh nắng.

Tỉa cành tạo tán làm cây thu nhận đầy đủ ánh nắng, thông thoáng với gió nên cây có điều kiện quang hợp tốt, anh sáng chiếu vào cây sẽ giết các mầm bệnh và sâu bọ nên giảm được phân, thuốc, nước tưới cho cây.

Vậy tỉa cành như thế nào?

Có người tỉa cành khi cây trưởng thành, tỉa cành sau khi thu hoạch điều này không sai nhưng còn thiếu, nghĩa là công việc tỉa cành bắt đầu khi cây hơn một năm trồng hay nói cách khác khi nhìn cây trồng cao hơn một mét là ta phải xem xét từng cành một để loại bỏ ngay từ đầu những cành cong queo, cành mọc đan xen với nhau, cành yếu không phát triển thành nhánh cho trái. Cụ thể:

- Từ hơn một năm trồng đến năm thứ 3, ta bắt đầu tỉa những cành che khuất, cành yếu, sâu bệnh, cành mọc quá gần mặt đất, chỉ để cành ngang khỏe mạnh được phân bố đều trên thân chính. Khi cây cao được 4-5 m khoảng cách trồng 4x8(m) thì tiến hành cắt ngọn nhằm giúp cành ngang phát triển mạnh, anh nắng chiếu sâu vào thân cây làm cây nhận được nhiều ánh nắng. Thu hoạch trái xong cũng phải tiến hành tỉa cành nhỏ, cành bệnh, tỉa cành xong mới được bón phân.

Hình 1: Cây sầu riêng trồng hơn 1 năm chưa tỉa   Hình 2: Cây sầu riêng sau khi tỉa cành thông thoáng  Hình 3: Các cành ngang cũng tỉa chừa 3-4 nhánh, các nhánh ngang xếp đều quanh thân không chồng chéo

Quan sát cây sầu riêng trồng ở Thái Lan họ cắt tỉa như sau: giai đoạn đầu tiên người trồng phải lựa 5-6 cành ngang khỏe mạnh là nhánh chính, điều này còn phụ thuộc cây tốt xấu nhưng khoảng cách giữa các nhánh để lại phải từ 10-15 (cm), cắt tỉa thế nào để khi cây có trái phải có từ 12-15 nhánh chính nằm ngang tỏa đều quanh thân cây, nhánh đầu tiên phải cách mặt đất 1 m, và trong mỗi nhánh chính cũng phải cắt tỉa chừa khoảng 3-4 nhánh phụ, sau khi thu hoạch xong cũng cắt tỉa lại.

Như vậy cây sầu riêng Mongthong chỉ để từ 50-60 trái trên một cây là chất lượng, với số cành này mỗi nhánh chỉ là 4 trái, dễ chăm sóc, trái có kích cỡ đồng đều.

 

 

Hình 4: Chừa 3 trái là không đúng  Hình 5: Chừa hai trái là đúng nhưng không tỉa sớm trái vẫn lép; Hình 6: Một cành 3-4 trái xếp đều trên nhánh là đúng, nhưng trái thứ 2 không tỉa sớm nên trái bị lép.

Ngoài việc tỉa cành ta còn phải tỉa trái, việc này người nông dân chúng ta thường không muốn làm vì thấy khi có trái đậu rồi mà phải tỉa thì “uổng” nên trái ra nhiều nhưng khi thu hoạch những trái lớn đồng đều thì rất ít.

Việc tỉa trái để loại bỏ những trái lép, sâu, khuyết tật mà ta dự đoán sẽ không đạt, những trái ra ở những vị trí không thích hợp cũng tỉa nhằm giúp tiết kiệm phân, thuốc và  dễ kiểm soát sâu bệnh, trái được đồng đều. Tỉa trái thực hiện 2-3 lần ở giai đoạn 4-10 tuần sau khi đậu trái, khi tỉa cần chú ý để lại những trái ở những vị trí thích hợp, không nên để trái trên ngọn cây, cành ngọn, thân cây chính và trái ở những cành nhỏ. Chừa lại 1 chùm chỉ 2 trái là được nhưng trên một nhánh lớn, trên cây không hơn 5 chùm, số trái trên cây tùy vào tuổi của cây, tình trạng cây và giống cây.

Tốt nhất là chỉ để 3-4 trái mọc đều trải dài trên một cành ngang.

Hình 7: Chừa 1 trái trên cành lớn là đúng; Hình 8: Chừa 1 trái trên cành “nhỏ” là không đúng

Nếu ta tỉa cành, tỉa trái đúng cách không những vườn cây đạt năng suất cao mà còn có số lượng trái đồng đều nhiều, ít sâu bệnh, tiết kiệm phân, thuốc, hạ giá thành trong sản xuất./.

                                                                                  

  KS: Đinh Hoàng Tùng

  Email: hoangtung@aasvn.com